Năm 2012 chứng kiến những pha phát ngôn đầy hớ hênh của giám đốc điều hành (CEO) các doanh nghiệp lớn nhất ở Mỹ.
Với cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua và nguy cơ xuất hiện một vực thẳm
ngân sách vào đầu năm sau, nhiều CEO bự tìm cách bày tỏ những lo ngại và
bất bình của mình một cách “thống thiết” nhất và thu hút chú ý nhất.
Tuy nhiên, những phát ngôn như vậy của họ không ít lần đã “phản chủ”.
Nhân lúc năm 2012 đang dần khép lại, trang
Huffington Post điểm qua những phát ngôn “độc nhất vô nhị” của các CEO Mỹ trong năm:
Cựu CEO Jack Welch của hãng công nghiệp General Electric (GE) nghi số liệu thống kê thất nghiệp là con số “ma”
Sau
khi báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nước
này đã giảm dưới mức 8%, cựu CEO Jack Welch của GE cho rằng, chiến dịch
vận động tranh cử của Tổng thống Barack Obama đã “xào nấu” để cho ra
một con số thống kê đẹp nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Trên mạng
Twitter,
Welch viết: “Những con số việc làm không thể tin được… những gã Chicago
này (ám chỉ ông Obama) sẽ làm bất kỳ điều gì… nhưng lại thua trong các
cuộc tranh luận”.
CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase nói "bậy"
Khi được
tạp chí New York
hỏi vì sao ông có sự ủng hộ kiên định đến vậy đối với Phố Wall và liên
tục chỉ trích các quy định giám sát tài chính của Mỹ, CEO Jamie Dimon
của JPMorgan Chase đã gây sốc khi nói rằng: “Đây không phải là Liên Xô…
Đây là nước Mỹ. Đó là điều mà tôi ghi nhớ. Đoán xem..., đây là một đất
nước tự do”.
Tỷ phú Donald Trump thách thức Tổng thống Obama
Chuyện
tỷ phú Donald Trump thường có những phát ngôn “thiếu iốt” không còn là
chuyện lạ. Tháng 10 năm nay, Trump đã nói thế này: “Nếu Barack Obama
công khai hồ sơ đại học và hồ sơ hộ chiếu của ông ấy, tôi sẽ ngay lập
tức ký séc 5 triệu USD tặng cho một quỹ từ thiện mà ông ấy chọn”. Ý của
Trump trong lời thách thức này là Tổng thống Obama thiếu minh bạch.
CEO Lloyd Blankfein của ngân hàng Goldman Sachs so sánh “vực thẳm ngân sách” với Chiến tranh Thế giới thứ hai
Vào tháng 11 vừa qua, CEO Lloyd Blankfein của Goldman Sachs phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của kênh
CNBC:
“Tôi biết đã nhiều lần trong lịch sử, cộng đồng doanh nghiệp gắn bó rất
mật thiết với những vấn đề của đất nước chúng ta và có những đóng góp
được đánh giá cao. Chẳng hạn, trong thời gian chiến tranh, khi cần phải
tăng sản lượng, các CEO dĩ nhiên sẽ vào cuộc”.
Điều mà Blankfein
muốn truyền tải qua thông điệp này là, ông và các CEO khác sẵn sàng giúp
đất nước khi xảy ra “vực thẳm ngân sách” - tình trạng khi thuế tăng và
chi tiêu công bị cắt giảm, đe dọa gây suy thoái. Tuy nhiên, phát ngôn
của Blankfein đã trở thành mục tiêu đàm tiếu của cư dân mạng.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett dự đoán ứng viên cho chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ
Tỷ
phú Buffett nổi tiếng là một người phát ngôn thông thái, nhưng việc ông
xem CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase là nhân vật xứng đáng nhất cho
chức Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ lại là một pha mà ông bị “hớ”. Cách đây
ít lâu, Buffett nói: “Nếu xảy ra vấn đề trên thị trường, tôi nghĩ ông ấy
là người tốt nhất có thể để ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính”.
Trong khi đó, Dimon mới bị hứng “rổ đá” vì vì nói “bậy” ở trên.
CEO John Schnatter của hãng bánh pizza Papa John phản đối kế hoạch chăm sóc y tế Obamacare của Tổng thống Obama
Schantter
tuyên bố ông sẽ cắt giảm giờ làm của nhân viên và tăng giá bánh pizza
để chống lại ảnh hưởng của chương trình Obamacare đối với công ty của
mình. Đây là chương trình có nội dung yêu cầu các chủ sử dụng lao động
tăng tỷ lệ nhân viên trong diện được bảo hiểm y tế. Phát ngôn này của
Schnatter đã bị dư luận phản đối mạnh mẽ.
CEO David Siegel của công ty nghỉ dưỡng Westgate dọa sa thải nhân viên nếu Tổng thống Obama tái đắc cử
Trước
khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Siegel gửi email tới tất cả nhân
viên, nói rằng họ sẽ bị sa thải nếu ông Obama tái đắc cử. “Nếu tôi hoặc
công ty của tôi bị đánh thêm thuế như Tổng thống hiện tại dự kiến, tôi
sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thu hẹp quy mô của công ty”,
Siegel viết. Tuy nhiên, sau khi ông Obama thắng cử, Siegel lại thay đổi ý
định, và… tăng lương cho nhân viên.
CEO Robert Benmosche của hãng bảo hiểm AIG muốn mọi người làm việc tới năm 80 tuổi
CEO Benmosche của AIG rất giàu có, nhưng ông cho rằng, người châu Âu bình thường nên làm việc tới năm 80 tuổi. Trên kênh
Bloomberg,
trong ngôi biệt thự sang trọng ven biển của mình, ông Bensmoche nói
rằng, người châu Âu phải lao động như thế thì mới giải quyết được cuộc
khủng hoảng nợ công của khu vực.
CEO Dov Charney của hãng thời trang American Apparel xem việc dùng bão Sandy để quảng cáo “không có gì là nghiêm trọng”
Giữa
lúc siêu bão Sandy đang phá hủy khu vực Bờ Đông của nước Mỹ, hãng
America Apparel tung ra một chương trình giảm giá mang tên “Sandy Sale”
dành cho những khách hàng cảm thấy “buồn chán” giữa lúc có bão. Bị chỉ
trích rằng chiến lượng quảng cáo này có thể là nhạy cảm, CEO Charney của
American Apparel nói: “Chúng tôi ở đây để bán quần áo. Hàng đêm tôi vẫn
ngủ ngon vì biết rằng, cách làm này không có gì là nghiêm trọng”.